Pleiku là thành phố lớn đứng 3 tại Tây Nguyên thuộc tỉnh Gia Lai, sau thành phố Đà Lạt và Buôn Ma Thuột. Vẻ đẹp của Pleiku được ví như nàng sơn nữ đang tuổi dậy thì với sự xanh mướt của dãy núi trùng điệp, những nương cà phê nặng trĩu hạt, hồ tiêu, đồi chè bát ngàn ẩn hiện trước tầm mắt hay những đôi mắt đẫm lệ của biển hồ Pleiku. Nhưng đây vẫn chưa đủ, để biết được chơi gì ở Pleiku hãy xem thêm những địa điểm vui chơi giải trí hấp dẫn nhất hiện nay.
1. Biển Hồ Chè
Biển hồ chè nằm tại huyện Chư Pah của tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku chỉ khoảng 13 cây số về phía Bắc. Đây là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước. Biển Hồ chè là một nơi kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và những bạt ngàn chè xanh có phong cảnh tuyệt đẹp, không khí trong lành.
Điều tuyệt vời nhất tạo nên vẽ đẹp của Biển Hồ chè này đó chính là những dãy núi hùng vĩ men theo những con đường đất đỏ như đang ôm lấy cả đồi chè xanh mát. Vả chính vẻ đẹp ấy khiến cho những ai đến đây như lạc vào chốn thiên đường – nơi không còn cái nắng, cái gió, cái khô cần của vùng đất Tây Nguyên.
Đến với biển Hồ Chè bạn sẽ bị “hút hồn” bởi màu xanh tươi rói của lá chè, mênh mông và bạt ngàn và đâu đó còn thoang thoảng hương thơm của lá chè. Màu xanh theo đất nước Hy Lạp cổ đại, đó chính là màu của những cơn gió. Đến với đồi chè, dường như những buổi trưa nắng hạ chỉ được điểm qua một vài dải nắng vàng rực, bởi nơi đây đã được màu xanh lá chè chiếm trọn. Thật mát mắt, mát lòng và bỗng dưng, muộn phiền xua tan hết, chỉ còn ta và đồi chè, cùng những cảm xúc dịu êm.
Vào mùa thu hoạch, nhìn những bàn tay khéo léo của người trồng chè ngắt những ngọn chè xanh mơn mởn mới thấy rằng thu hoạch thủ công bởi chính bàn tay con người lại là một nét đẹp văn hóa truyền thống, gần gũi với chính sản phẩm do mình ấp ủ trồng từng ngày, con người được hòa nhập cùng thiên nhiên.
2. Biển Hồ T’nưng
Biển Hồ Pleiku còn gọi là hồ Tơ Nưng, T’nưng, Tơ Nueng hay Ea Nueng (chữ Ea trong tiếng Êđê có nghĩa là nước), cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7km, thuộc xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hồ T’nưng là một trong những hồ tự nhiên đẹp nhất Tây Nguyên, khi gió to thường có sóng lớn nên mới gọi là biển hồ. Người địa phương gọi là T’Nưng, có nghĩa là “biển trên núi”. Diện tích của Biển Hồ là 240 ha, chứa đến 30 triệu m3 nước ngọt, là hồ nước tự nhiên lớn nhất trong khu vực.
Biển Hồ vốn là 3 miệng núi lửa cổ thông với nhau. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao cho nên đứng từ xa vẫn trông thấy rõ. Mỗi miệng tạo ra một vực sâu khó dò đến đáy, nên người ta còn gọi T’nưng là “hồ không đáy” Dùng máy hồi âm định vị xác định được Biển Hồ gồm 3 phễu trũng vốn là 3 miệng núi lửa cổ, hai phễu lớn thông nhau qua một eo khá rộng.
Biển Hồ là một kho nước ngọt chất lượng tốt, hiện đang được sử dụng cho đời sống của gần 300 ngàn dân thành phố Pleiku và du khách. Biển Hồ vì thế có ý nghĩa sống còn đối với thành phố Pleiku. Người ta thường ví Biển Hồ như đôi mắt của người dân Gia Lai nói chung và của người dân thành phố Pleiku nói riêng.
Không chỉ là một điểm di sản địa chất có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, Biển Hồ còn có một hệ sinh thái nước giá trị, với sự góp mặt của nhiều loài chim như sin sít lông tím, bói cá lông sặc sỡ, cuốc đen, chim kơ vông, kơ túc, le le, vịt trờì, đ’rao, trắc-la,…Biển Hồ còn là một vựa cá ở Tây Nguyên, gồm đủ các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá trôi, cá đá, cá niềng … trong đó có 2 loài cá đặc hữu không nơi nào có. Đặc điểm này giúp cho Biển Hồ trở thành khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trong cấp Quốc gia vào ngày 16/11/1988.
3. Nhà tù Pleiku
Nhà tù Pleiku thuộc địa phận phường hội thương Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhà tù được biết đến là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ giai đoạn trước 1975, với nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại đây.
Được thực dân Pháp xây dựng năm 1925, nhà lao là một quần thể kiến trúc gồm tường thành cao 3m bao bọc, bên ngoài có nhiều lớp rào bằng thép gai. Góc Tây Bắc và Tây Nam có 2 bốt gác, phía Đông đặt lô cốt bảo vệ. Dãy nhà giam chính gồm 5 phòng, riêng phòng số 5 được chia thành 8 xà lim, mỗi xà lim rộng 1,6m và dài 2m.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đế quốc Mỹ vẫn sử dụng nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị. Lúc 17 giờ ngày 15 tháng 3 năm 1975, trong chiến dịch Tây Nguyên, những phạm nhân trong nhà lao Pleiku đã phá ra ngoài và tổ chức một bộ phận ra vùng ven, đón một cánh quân cách mạng từ ngã ba Trà Bá vào cùng quân dân địa phương giải phóng thị xã Pleiku.
Để gìn giữ làm một cảnh quan sinh động giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ muôn đời sau, đồng thời đáp ứng được yêu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Thành phố Pleiku đã đầu tư một số hạng mục để cải tạo lại nhà lao. Đến ngày 12 tháng 12 năm 1994, Nhà lao Pleiku được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc Gia.
Xem thêm: Du Lịch Khám Phá Thế Giới Thông Qua 8 Cuốn Sách Viết Về Động Vật Bán Chạy Nhất
4. Đỉnh Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng còn được gọi với tên là núi Chư Hơ Đông hay núi Hòn Rồng, đến đây bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng ngọn núi lửa nổi tiếng nhất tại tỉnh Tây Nguyên với độ cao hơn trên dưới 1000m. Có thể do miệng núi lửa nằm nổi trên bề mặt đất nên núi Hàm Rồng có những đặc tính như một miệng núi lửa dương, được ví như là nóc nhà của phố núi Pleiku. Trong thời chiến, từng là căn cứ quân sự của Mỹ, ngày nay nơi đây là mảnh đất màu mỡ cho các loại hoa màu và dãy rừng thông xanh ngát sinh sôi, phát triển.
Nhìn từ xa bạn có thể thấy núi Hàm Rồng với đủ hình dạng khác nhau, có lúc là hình thang, có lúc là một nửa hình tròn… Nếu nhìn ngang, ngọn núi như được tách làm đôi có phần hõm ở giữa để dòng nham thạch tuôn chảy, phủ độ màu mỡ cho dãy đất bazan lân cận. Còn nếu nhìn từ trên cao, núi Hàm Rồng có hình dạng như một chiếc phễu khổng lồ.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, nếu núi Hàm Rồng được công nhận là kỳ quan núi lửa, sẽ càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu hơn. Hiện nay, ý tưởng đưa núi lửa vào các chương trình du lịch là một ý tưởng khác lạ nhưng không kém phần khả quan, nếu như các cơ quan đầu ngành biết liên kết phối hợp thực hiện để giới thiệu, quảng bá.
5. Chùa Bửu Minh
Cách trung tâm TP. Pleiku hơn 15 km về phía Bắc, chùa Bửu Minh tọa lạc tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), là một trong những ngôi chùa ra đời sớm ở Gia Lai. Mặt tiền của chùa hướng Tây, nhìn về Biển Hồ nước, phía sau là Tiên Sơn… Đây chính là vị trí địa lý và phong thủy hài hòa cho sự ra đời của ngôi chùa. Trong gần một thế kỷ, chùa Bửu Minh trải qua 5 lần thay đổi thầy trụ trì, từ năm 1989 đến nay là Thượng tọa Thích Giác Tâm (Thầy Giác Tâm).
Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế bằng bê tông cốt thép, có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc gỗ, với mô típ chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung nước ta cùng kiểu dáng chùa Nhật Bản và Đài Loan. Nét riêng của chùa Bửu Minh là chỉ có một đòn dông duy nhất, với một mái trước và một mái sau dốc đến 45 độ, tạo dáng cao vút và thanh thoát như mái nhà rông Tây Nguyên.
Với những dấu ấn mang phong cách riêng, kiến trúc chùa Bửu Minh chính là sự tái tạo và phát triển có chọn lọc những giá trị văn hóa vật thể, góp phần điểm tô và khắc họa phong phú vào quần thể kiến trúc tôn giáo tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
6. Thác Chín Tầng
Thác Chín Tầng thuộc xã Ia Sao huyện Ia Grai (Gia Lai), được xem là chốn “bồng lai tiên cảnh” giữa đại ngàn Tây Nguyên. Đây là một điểm dã ngoại cuối tuần lý tưởng và thú vị cho những đôi nam nữ, học sinh – sinh viên, khách du lịch trong và ngoài tỉnh muốn khám phá và tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ , kì vĩ của thác cũng như của núi rừng Tây Nguyên.
Thác Chín Tầng là dòng thác lớn bắt nguồn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống với dòng chảy mạnh quyện vào vách đá tạo nên một âm thanh vang vọng giữa núi rừng trùng điệp. Không biết tự bao giờ, thiên nhiên đã tạo nên vẻ đẹp hiếm có này.
Dọc theo dòng thác là những vách đá gồ ghề, phân cấp chín tầng cao thấp khác nhau (đây chính là xuất xứ tên gọi “Thác Chín Tầng”), riêng 2 tầng cuối cùng độ cao khoảng 10-15m dựng đứng tạo nên dòng chảy mạnh, nước cuộn xoáy.
Vì được phân thành nhiều tầng, nên ở mỗi tầng thường có những hố nước sâu trong vắt nhìn thấy rõ từng đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội. Những lúc ánh nắng mặt trời vắt qua tạo ra những ánh cầu vồng lung linh huyền ảo.
Thác có khá nhiều phiến đá lớn giúp cho du khách nghỉ chân để hưởng những luồng hơi nước mát rượi mỗi khi có cơn gió thoảng qua.
Nếu ai có ý định khám phá vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ của núi rừng Tây Nguyên thì đây là nơi lý tưởng và thú vị.
7. Thủy điện Yaly
Bên dòng sông Sê San rộng lớn quanh năm nước chảy dạt dào, chính là công trình thủy điện Yaly, thuộc địa bàn xã Yaly, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.
Yaly chính là công trình thủy điện lớn thứ hai của nước ta, chỉ sau thủy điện Sông Đà. Được xây dựng vào năm 1993, sau ba năm nhà máy đi vào hoạt động và trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, là nơi cung cấp điện chính cho đồng bào Tây Nguyên. Lòng hồ thủy điện rộng tới 64.5km2, với công suất 720 MW, cùng bốn tổ máy, Yaly sản xuất lượng điện lên tới 3.650 triệu KWh mỗi năm.
Đặc biệt, công trình thủy điện gắn liền với thác Yaly – một trong những thác nước lớn nhất ở Việt Nam với độ cao lên tới 42 mét. Đến với công trình này, du khách có thể ghé qua thác Yaly để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của thác nước này.
Đến với Tây Nguyên hùng vĩ, chúng ta đến với mảnh đất giàu nắng, nhiều gió, ấm nồng tình người. Và đến với Tây Nguyên, nếu không đến thăm thuỷ điện Yaly là chúng ta cảm thấy còn thiếu vắng trong lòng, không chỉ đối với người thuỷ lợi – thuỷ điện mà còn cả với bất kỳ ai đã, đang và sẽ đến với Tây Nguyên.
8. Núi lửa Chư Đăng Ya
Chư Đăng Ya thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30 km về hướng đông bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20 km. Đây là một trong những ngọn núi lửa đã từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm, nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ. Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử.
Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đăng Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Tạo điều kiện cho người dân bản địa trồng trọt các loại cây như ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng … làm nguồn lương thực.
Đến vùng đất Chư Đăng Ya bạn sẽ cảm nhận sự yên bình trong tâm hồn khác xa sự ồn ào phố thị. Bởi Chư Đăng Ya bao trùm cảnh thiên nhiên hoang sơ, cây cối mịt mùng đậm nét Tây Nguyên. Bao quanh là những cây cổ thụ hàng trăm năm bị sâu đục mà bạn có thể ngồi nghỉ hay giấu mình trong thân cây.
Tháng 11 hàng năm, dã quỳ nở nhuộm vàng óng ả hai bên đường dẫn tới chân đồi, và trải dài miên man tới miệng núi lửa, tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên Chư Đăng Ya thêm ấn tượng hơn. Chư Đăng Ya mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, thú vị và tuyệt vời, những người yêu du lịch không chỉ được khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên mà còn được tìm hiểu nét sinh hoạt, văn hóa của đồng bào địa phương nơi đây.
Xem thêm: Thảo Cầm Viên Có Gì Chơi? Sở Thú TPHCM Vui Nhất Việt Nam
9. Rừng cao su
Huyện Chư Sê thuộc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 40km, đường đi được bao phủ bởi một màu xanh dịu dàng, bạn sẽ như được lạc vào một miền cổ tích ngoài đời thực, yên bình và nhẹ nhàng.
Những con đường dài thẳng tắp cứ thế nối tiếp theo nhau, nếu bạn bước vào những con đường không có lối rẽ này thì dám cá rằng bạn sẽ chẳng còn muốn bước ra đâu. Bạn như được lạc vào một bức tranh tuyệt đẹp mà ngỡ như không phải ở Việt Nam vậy. Không giống như hoa tam giác mạch chỉ đẹp ở Hà Giang hay những cánh đồng lúa chín ở Tây Bắc, cả Tây Nguyên này bạt ngàn là rừng cao su.
Con đường như một dải lụa mà các bạn khó có thể nhìn thấy được đích cuối cùng là ở đâu, hãy thả tay ga thật chậm để có thể cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn nơi đây.
Ngoài cà phê, hồ tiêu, cao su mùa thay lá ở Gia Lai cũng khiến lòng du khách phải trũng lại bởi cảnh sắc vừa thơ mộng lại bình dị. Màu đất đỏ hòa cùng màu lá vàng như tấm thảm lớn trải dài mất hút giữa hai hàng cao su.
10. Chùa Minh Thành
Tọa lạc ở số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, chùa Minh Thành, ngôi chùa chịu ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản – nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2 km. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng.
Điều khiến chùa Minh Thành trở thành một nơi tham quan khiến khách du lịch biết đến là nhờ lối kiến trúc xây dựng khá giống với những ngôi đền của Nhật Bản. Tất cả lối kiến trúc đó đã làm bức tranh của chùa thêm phần lộng lẫy, kiêu sa nhìn từ xa giống như một cung điện thu nhỏ nơi phố núi mù sương Pleiku.
Những công trình kiến trúc hiện nay mang vẻ uy nghi hơn trước như tòa chánh điện cao 16 m với trần nhà làm bằng gỗ pơ mu nổi tiếng của Tây Nguyên; bộ cửa gỗ cao 6 m, dày 4 tấc; bảo tháp Xá Lợi cao 70 m cùng nhiều tiểu cảnh, tượng Phật…
Chùa Minh Thành còn nổi tiếng bởi tháp Xá Lợi chín tầng, cao 70 m, có nhiều điểm tương đồng với kiến trúc Phật giáo Nhật Bản, chẳng hạn như phần đỉnh tháp được gọi là sorin. Tuy nhiên, các bảo tháp của Nhật Bản thường chỉ có 3 – 5 tầng.
Ngoài mục đích tôn giáo, chùa Minh Thành còn là điểm đến nổi tiếng của TP Pleiku, thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan, chụp ảnh hàng năm. Không gian tại chùa được nhiều khách du lịch ví như “đang đi nước ngoài”.
11. Đồi thông Hà Tam
Đồi thông Hà Tam, thuộc huyện Đăk Pơ, cách đường 19 khoảng 5km, được nhiều người ví von là “phiên bản thu nhỏ” của rừng thông Đà Lạt. Các cây thông nơi đây đã có rất nhiều năm sinh trưởng với đường kính thân to lớn từ 1m -1,5m, tương đương với vòng cánh tay từ khoảng 5 người.
Cũng có những cây thông không có hình dáng như bình thường mà rất đặc biệt khiến các bạn cảm thấy ngạc nhiên. Nằm ở độ cao trung bình 1150m so với mực nước biển, những cây thông ở đây khỏe khoắn vươn lên thẳng tắp cùng các kiểu dáng to nhỏ đa dạng. Đến đây, bạn sẽ nhận ra rằng địa điểm này đẹp không thua kém đồi thông nổi tiếng ở Đà Lạt một chút nào. Đi dưới những tán thông xanh sẫm, ngắm nhìn ánh nắng xuyên qua khu rừng sẽ khiến bạn thấy mình nhẹ nhàng và nên thơ hơn.
12. Công viên Đồng Xanh
Công viên Đồng Xanh thuộc thôn 5, xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nơi đây được xem là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng và khám phá bản sắc văn hóa vùng Bắc Tây Nguyên, do Công ty Cổ phần văn hóa – du lịch Gia Lai đầu tư xây dựng.
Có diện tích 8ha, công viên Đồng Xanh được bao phủ bởi một màu xanh của cây cỏ, những cánh đồng và là nơi tập hợp các tư liệu văn hóa – lịch sử không chỉ của Gia Lai mà của cả Tây Nguyên hùng vĩ. Với thiết kế khá công phu, tinh tế qua những điểm nhấn, công viên Đồng Xanh còn được coi là một bức tranh thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên, mang đầy đủ những đặc trưng truyền thống trong cuộc sống thường nhật của đồng bào nơi đây: Mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài.
Công viên Đồng Xanh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật gỗ hóa thạch thuộc loại lớn và có niên đại rất cao. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây cổ thụ hóa thạch hơn một triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam, được tìm thấy tại miệng núi lửa đã ngưng hoạt động ở xã Chư A Thái, thị xã Ayunpa. Những thớ đá nổi rất đẹp, kỳ ảo và ấn tượng thực sự là một sản phẩm vô giá mà thời gian đã ban tặng cho con người Tây Nguyên.
Hàng năm, công viên Đồng Xanh đón hàng chục vạn lượt khách du lịch là nhân dân các huyện, thị trong tỉnh Gia Lai, và cả người dân các tỉnh lân cận Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk… về đây tham quan và tham gia vui chơi giải trí với nhiều hoạt động như: du thuyền, bơi lội, đạp vịt, câu cá… Nhiều gia đình cũng thường chọn Đồng Xanh như một điểm đến cuối tuần vì không gian nơi đây không chỉ lý tưởng cho nghỉ dưỡng mà còn có khu dịch vụ ẩm thực – nhà hàng đặc sản truyền thống dân tộc Đồng Xanh chuyên phục vụ du khách những món ăn truyền thống Tây Nguyên như: Cơm lam, rượu cần, rượu ghè, thịt rừng nướng…
13. Công viên Diên Hồng
Nằm giữa trung tâm Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, công viên Diên Hồng với lợi thế có cảnh quan tuyệt đẹp, môi trường trong lành và yên tĩnh vừa có hồ nước lại vừa có nhiều cây xanh, thực sự có sức hấp dẫn đối với du khách đến tham quan nghỉ ngơi, thư giãn, tản bộ, chèo thuyền, câu cá thư giãn.
Từ ngoài cổng vào, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi hồ nước xanh thăm thẳm với rất nhiều cây xung quanh bờ. Đi bộ khoảng 300m, đến khu vực chính của công viên – Làng Du lịch Hồ Diên Hồng. Đây là nơi dừng chân khá lý tưởng cho du khách đến tham quan, công tác và là điểm hẹn khá ấn tượng cho những người trẻ muốn gặp gỡ, hàn huyên chuyện trò.
Ngay bên trái lối đi là khu đón tiếp khách, nhà nghỉ. Đi bộ về phía tay phải, ven theo hồ là khu vực ăn uống, cà phê giải khát trên nhà thuyền. Đã đến đây bạn đừng quên thưởng thức tách cà phê Tây Nguyên thơm ngon, đậm đà.
Bên cạnh công viên là khu nhà hàng nhỏ nhắn, xinh xắn nằm ngay bên hồ được thiết kế ấn tượng mang đặc trưng kiến trúc Tây Nguyên, đến đây du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị của núi rừng Tây Nguyên.
Với cả một khoảng xanh giữa lòng thành phố với phong cảnh hữu tình, là điểm tham quan lý tưởng của du khách vào dịp cuối tuần.
Xem thêm: Chơi Gì Ở Bạc Liêu? 14+ Địa Điểm Du Lịch Bạc Liêu
14. Vườn quốc gia Kon Ka King
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trong khu vực giữa Đông và Tây của dãy Trường Sơn, ở thung lũng sông Ba. Vườn Kon Ka Kinh lấy tên đỉnh núi cao nhất, cao 1.748m so với mực nước biển cùng tên làm tên gọi. Đỉnh núi này còn được mệnh danh là “nóc nhà của tỉnh Gia Lai”. Kon Ka Kinh là một trong số 27 vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là di sản ASEAN.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh rộng gần 42.000ha, có các loài cây quý hiếm như pơ – mu, trắc, chò đãi, kim giao… Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao này. Những loài cây dây leo dài ngoằng, chằng chịt trong rừng thoạt đầu có thể làm khách du lịch hơi khó chịu vì vướng víu.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh không chỉ có thực vật mà ở đây còn có các loài thú lớn như vượn má hung, vooc vá chân xám, hổ mang Trường Sơn… chim thì có các loài mới được phát hiện trong vòng 30 năm trở lại đây như khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn, thày chùa đích đỏ. Động vật bò sát cũng phong phú với lớp bò sát ếch nhái, thằn lằn buôn lưới, chàng Sapa, ếch gai sần…Đây sẽ điều kiện lý tưởng để bạn trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái tham quan, quan sát và nghiên cứu động vật hoang dã.
15. Thác Phú Cường
Nằm cách thành phố Pleiku khoảng 45km về phía đông nam, thác Phú Cường nằm trong khu vực mỏ đá Phú Cường, thuộc xã Dun, huyện Chư Sê. Thác có độ cao chừng 45m, với không gian thoáng đãng, không khí trong lành, một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi có dịp về thăm phố núi .
Thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động. Để đặt chân xuống thác nước kì vĩ này thì du khách phải đi qua một hệ thống cầu thang dài vững chắc được xây bằng sắt rất chắc chắn. Bên dưới là hàng trăm phiến đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau tạo nên những hình thù kì thú. Không gian càng trở nên thơ mộng hơn, khi hòa giữa âm thanh tiếng thác nước chảy là sự pha trộn của tiếng suối và những loài chim hót véo von trên những cây cổ thụ bên cạnh.
Nằm trên nền nham thạch của ngọn núi lửa đã tắt, chung quanh là đại ngàn rừng xanh bao phủ, khí hậu mát lạnh nên thảm thực vật ở đây rất phong phú, từ hệ thống cây cổ thụ, thảm rêu, cỏ tranh, dương xỉ,…
Phú Cường có nhiều ưu điểm của một khu du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều hình thức khám phá. Những ai ưa mạo hiểm có thể men theo con đường mòn bên trái dưới chân thác, con đường này đi xuyên qua những đồi cỏ, xen lẫn những chiếc lá khổng lồ to bằng người, dẫn sâu vào lòng vách núi phía sau ngọn thác.
16. Quảng trường Đại Đoàn Kết
Quảng trường Đại Đoàn Kết, hay còn gọi là quảng trường lớn, tọa lạc giữa trung tâm thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai với khuôn viên rộng lớn 12 héc ta. Gồm nhiều hạng mục như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; phù điêu bằng đá mô tả cuộc sống, sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên; mô hình núi Hàm Rồng; 2 hồ phun nghệ thuật; 205 ô cỏ và hàng trăm loại cây xanh. Nằm trong quần thể các công trình kiến trúc văn hóa-lịch sử như Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như trái tim của TP. Pleiku.
Sau khi khánh thành, Quảng trường Đại Đoàn Kết là một trong những công trình xác lập được nhiều kỷ lục nhất cả nước. Đầu tiên, công trình được Guiness Việt Nam công nhận là quảng trường có tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất; bộ cồng chiêng lớn nhất; bức phù điêu bằng đá lớn nhất với diện tích 600 m2. Hội Đá quý Việt Nam cũng công nhận Quảng trường có cột đá ghép nhiều trụ đá nhất; bức thư tạc trên tảng đá nặng nhất (135 tấn). Tiếp đó, Bộ Xây dựng công nhận công trình đạt huy chương vàng về chất lượng.
Nằm ở vị trí trung tâm, không gian rộng lớn, môi trường trong lành nên Quảng trường Đại Đoàn Kết đã trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động lớn của tỉnh như các lễ hội cấp tỉnh, đường hoa, hội sách, triển lãm… Các câu lạc bộ, hội nhóm cũng chọn đây làm nơi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ như nhóm Du ca Phố núi, Câu lạc bộ Sáo trúc Gia Lai…
17. Nhà thờ Pleichuet
Nhà thờ Pleichuet nằm trên đường Trương Định, phường Thắng Lợi, trung tâm thành phố Pleiku. Mang dáng dấp nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhà thờ không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan du khách nên ghé thăm khi có dịp đến đại ngàn Gia Lai.
Nhà thờ Pleichuet được xây dựng theo mô hình Nhà Rông của người Jrai, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế quản nhiệm. Nhà thờ Pleichuet được thiết kế theo kiểu những buôn làng phía bắc của vùng Tây Nguyên, đặc biệt thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon tum. Mỗi buôn làng dựng một ngôi nhà sàn lớn, nó được trang trí rất đẹp, nằm ở giữa buôn làng gọi là Nhà Rông. Nhà Rông ở giữa buôn làng, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng như lễ tết, hội làng, đám cưới, lễ cầu nguyện và là nơi hội họp của cả buôn làng.
Ngôi nhà thờ to lớn, gấp ba, gấp bốn ngôi nhà thường. Nó có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cây cột thật to, có khoảng 8 cây cột bằng cây đại thụ, thẳng chắc, mái nhọn lợp bằng tôn, mái đỏ. Những vi kèo trong nhà thờ Pleichuet được trang trí những hình ảnh tôn giáo.
Nằm cạnh nhà thờ là tu viện của các cha. Nơi này luôn mở cửa vào ban ngày nên du khách có thể dễ dàng ghé thăm.
18. Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Bảo tàng Gia Lai nằm ngay bên quảng trường Đại Đoàn Kết, trung tâm Tp. Pleiku. Tiền thân của bảo tàng là Phòng Bảo tồn – Bảo tàng được thành lập ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 để đáp ứng yêu cầu khai thác, giữ gìn di sản văn hoá dân tộc của tỉnh Gia Lai.
Bảo tàng giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế những tinh hoa văn hóa của các dân tộc cư trú trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là hai tộc người bản địa Gia-rai và Ba-na như tín ngưỡng, phong tục tập quán, công cụ lao động sản xuất, trang phục, trang sức, nhạc khí… Đến bảo tàng, du khách còn đặc biệt ấn tượng khi ngay phía trước là bức phù điêu mô tả đời sống sinh hoạt thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số và Tượng đài anh hùng Núp, một biểu tượng của sức chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ buôn làng của người Tây Nguyên.
Với việc phối hợp cùng các Viện Khảo cổ, Bảo tàng Gia Lai đã tiến hành khai quật 6 di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Biển Hồ – nền văn hóa của cư dân đầu tiên xây dựng văn minh trên cao nguyên, với tổng số 33 di chỉ được khảo sát trên vùng đất Gia Lai. Kết quả thu được là hàng ngàn hiện vật bao gồm công cụ lao động, vật dụng sinh hoạt, đồ trang sức… của người tiền sử ở hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí. Đặc biệt, tại di chỉ Ia Mơr (huyện Chư Prông), lần đầu tiên ở Gia Lai và cả Tây Nguyên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy mộ chum có di cốt người tiền sử.
Xem thêm: Địa Điểm Quay MV của Sao Hàn Nổi Tiếng K-POP
19. Làng Plei Ốp
Làng Ốp (tiếng Jrai là Plei Ốp) là làng đồng bào Jrai nằm ở trung tâm thành phố Pleiku. Plei Ốp là làng văn hóa du lịch đầu tiên của Pleiku, có thể coi là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn thưởng ngoạn và lưu giữ một chút gì đó bản sắc văn hóa buôn làng mà không có nhiều thời gian ở lại Phố núi.
Làng Ốp được thành lập khoảng năm 1927 với 15 hộ dân và 76 nhân khẩu; đến nay, làng có 105 hộ với 540 khẩu. Diện tích tự nhiên trên 182 ha thuộc địa bàn phường Hoa Lư. Nhà rông văn hóa-linh hồn của buôn làng-được lợp mái lại khang trang với sân ốp đá, rộng rãi và rợp mát bóng cây. Tại khoản sân này, dân làng Ốp thường xuyên tổ chức các lễ hội của làng.
Đến đây, ngoài nhà rông, du khách có thể thong dong thả bộ trên những con đường làng sạch sẽ, thoáng đãng và trò chuyện với những người dân thân thiện, hiếu khách; ngắm những đồng lúa, vườn rau xanh mướt; tham quan điểm trường Plei Ốp được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn; giọt nước-nơi dân làng tập trung lấy nước sinh hoạt và tắm rửa hay khu nhà mồ với những bức tượng tạc gỗ, những ché rượu cần còn vương lại dưới gốc đa già cổ thụ nằm ở cuối làng… Đặc biệt, dòng suối Ia Nil trong vắt, dịu mát cùng cảnh vật rất đỗi nên thơ xung quanh chắc chắn là địa điểm mà du khách sẽ cảm thấy vô cùng hối tiếc nếu bỏ qua.
Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ khá thú vị khi được nghe già làng Puih Sir kể khan, hát dân ca hay được già đưa đi tìm hiểu các nghề truyền thống còn được dân làng lưu giữ như: rèn, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm nhạc cụ dân tộc… Ngoài ra, nếu đến đúng dịp, du khách sẽ cảm nhận thực sự “hơi thở” của làng qua những lễ hội đậm bản sắc văn hóa như: Pơthi (lễ bỏ mã), lễ hội mừng lúa mới… nhất là xem đội cồng chiêng của làng (với trên 20 nghệ nhân, 12 chiêng, 20 cồng, 1 trống) biểu diễn…
20. Học viện bóng đá HAGL
Thuộc xã Chư Hdrông, thành phố Pleiku, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai nằm trong khuôn viên rộng 15ha, được xây dựng vào tháng 3 năm 2007. Một khuôn viên đẹp, thơ mộng, yên tĩnh thu hút du khách.
Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – JMG là một trường đào tạo bóng đá chuyên nghiệp ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ngôi trường được bắt tay xây dựng bởi Học viện JMG và câu lạc bộ bóng đá Arsenal danh tiếng của Anh Quốc. Đây cũng là ngôi trường bóng đá đầu tiên của Việt Nam và là mái nhà của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai trong giải V-League.
Với diện tích 5ha, học viện có tất cả 10 sân bóng được bố trí trong nhà và ngoài trời với sân cỏ mịn, đạt chuẩn quốc tế. Ngoài các sân bóng, học viện còn có các khu hồ bơi, phòng gym, phòng xông hơi và các dãy nhà ở cho học viên với nội thất và cơ sở vật chất khang trang.
21. Đập Tân Sơn
Tọa lạc ở xã Nghĩa Hưng huyện Chư Pah (Gia Lai), cách trung tâm Tp Pleiku 25 km về hướng Bắc, đập Tân Sơn trở thành nơi “sống ảo” dành cho các teen. Đây là một công trình thủy lợi thuộc lưu vực Biển Hồ, gồm có hồ chứa, đập ngăm nước và hệ thống kênh mương. Sự hòa hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên núi non sông nước gắn với công trình kỳ vĩ do con người tạo ra đã tạo nên một cảnh quan đắm say lòng người. Nơi này dành trở thành một điểm đến của Pleiku vào mỗi dịp nghỉ lễ hay ngày cuối tuần, đặc biệt là đôi với giới trẻ.
Có thể nói đập Tân Sơn là một điểm đến hoang sơ nhưng những hình ảnh ở đây đều để lại cảm giác khó quên đối với ai đã từng ghé thăm đập. Cảnh vật hai bên đường dẫn đến đập nước cả 4 mùa đều đẹp như tranh vẽ, là những mảng màu tuyệt đẹp từ sự hòa phối của tự nhiên.
Mặt hồ với diện tích lưu vực chừng 18 km2 trải dài mênh mông hút cả tầm mắt. Men theo những bậc thang Lần theo những bậc thang, bước xuống sát mép nước và bạn sẽ phải lặng đi trước âm thành của sóng nước vỗ ngay dưới chân mình.
Điểm vào màu xanh của mây trời non nước ấy là màu xanh của rừng thông chen chúc nhau mà soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng. Bên dưới những tán thông là các loài hoa dại, hoa ngũ sắc, xuyến chi, bông lau,… đua nhau khoe sắc. Thậm chí, ngay cả những cây khô dưới lòng hồ cũng như tô điểm cho bức tranh cảnh vật nơi đây thêm phần sinh động.
Xem thêm: Cà Mau Có Gì Chơi? Review 15+ Địa Điểm Vui Chơi Độc Đáo
22. Núi Chư Nâm
Núi Chư Nâm có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Nơi đây tọa lạc tại địa phận của huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai. Chư Nâm chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút.
Đây được xem là ngọn núi cao nhất của cao nguyên Pleiku ở phía Tây. Đặc biệt hơn là Chư Nâm chính là một người anh em của núi lửa Chư Đăng Ya.
Thông tường bạn sẽ mất khoảng 6 đến 8 tiếng để chinh phục thành công đến đỉnh Chư Nâm. Đó chính là bởi vì khung cảnh xung quanh luôn níu kéo bạn ở lại. Với thảm thực vật xanh thẫm, kết hợp với nhiều loài thực vật với hoa cỏ lạ mắt. Đôi khi bạn dừng lại để ngắm những chú trâu đang gặm cỏ dọc đường. Khoảnh khắc ấy chắc chắn sẽ rất yên bình và thanh thản.
Nơi đây có địa hình không mấy phức tạp, chủ yếu là đi leo lên cao. Nhưng bạn chú ý một chút vì độ cao ở Chư Nâm hơi dốc so với những địa điểm khác. Dọc cung đường đi bạn sẽ thưởng ngoạn được vô số cảnh đẹp, sự bình yên cũng như thanh tĩnh nơi đây.
23. Thác K50 – thác Én
Thác K50 ẩn mình trong chốn hoang sơ, kỳ bí ở nơi “rừng thiêng nước độc” thuộc khu bảo tồn Kon Chư Răng, nằm trong ranh giới thuộc tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định. Để có thể đến được thác K50, phượt thủ phải trải qua một hành trình đầy chông gai, thách thức với biết bao khó khăn, nguy hiểm.
Từ trụ sở Khu bảo tồn đến thác 50, phải vượt qua chặng đường khoảng 14km đường rừng bằng xe máy đến một địa điểm có tên là Trại Bò, sau đó phải để xe máy lại đây và leo bộ khoảng 4km xuyên rừng già, vượt dốc cao mới tới đích.
Bạn có thể di chuyển từ trung tâm huyện Hoài Nhơn ở tỉnh Bình Định về hướng Xuân Phong tầm 20km, sau đó rẽ vào con đường dẫn đến xã An Toàn, huyện An Lão khoảng 5km và dừng lại ở vị trí cột mốc số 10. Từ đây, bạn có thể đi bộ vào đường rừng, mất khoảng tầm hơn 3 giờ, vượt qua những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, có những đoạn dốc cao dựng đứng thì mới được tận mắt ngắm nhìn thác nước kỳ vĩ này. Có lẽ chính vì thế, không nhiều người có dịp đặt chân đến nơi đây và nó vẫn vẹn nguyên nét hoang sơ đặc trưng.
Đến đây, bạn có thể đắm mình trong không gian kỳ vĩ, nguyên sơ và yên bình, thả hồn miên man theo tiên cảnh thiên thiên. Nếu bạn là người yêu thiên nhiên và chẳng e dè trước những hành trình đầy khó khăn thì hãy lên kế hoạch để khám phá thác K50 ngay nào!
24. Nhà thờ Đức An và nhà thờ Thăng Thiên
Giáo xứ Thăng Thiên ngày nay nằm trong địa bàn phường Tây Sơn và phường Hội Thương, thuộc khu vực trung tâm Thành phố Pleiku được chia thành 5 xóm giáo: Thiên Mẫu, Mân Côi, Truyền Tin, Mẫu Tâm, Lộ Đức với số lượng giáo dân là 1.560 người.
Nhà thờ Đức An bao gồm: khu nhà thờ, nhà làm việc, nhà nghỉ và nhà ăn. Với lối kiến trúc Á – Âu độc đáo, nơi đây là giáo phận chính của tỉnh Gia Lai, thường diễn ra các buổi lễ quan trọng (lễ phong chức Phó Tế năm 2011).
Đây là địa điểm du lịch vui chơi hấp dẫn ở Pleiku đặc biệt trong các dịp lễ giáng sinh và tết dương lịch.
Trên đây là 24 địa điểm du lịch Pleiku đẹp và hot nhất hiện nay có trả lời được câu hỏi Chơi gì ở Pleiku. Nếu muốn nghĩ dưỡng, ngắm nhìn trọn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tận hưởng không khí trong lành thì còn chần chừ gì mà không đến ngay Pleiku Gia Lai ngay nhé.