Cà Mau có gì chơi? Những địa điểm du lịch Cà Mau nào nổi tiếng?
Một dấu chấm nhỏ cuối cùng trên bản đồ hình chữ S – Cà Mau là một trong những vùng đất linh thiêng nhất của Tổ Quốc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Cà Mau với hình ảnh những cánh rừng ngập mặn rộng lớn, những bãi bồi phù sa chạy tít chân trời hay hình ảnh những người dân quên với tà áo bà ba chân chất, hiếu khách. Hơn nữa, Cà Mau còn sở hữu những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà không phải nơi nào bạn cũng có thể trải nghiệm được. Cà Mau có gì chơi? Hãy cùng 3blackdogs khám phá địa điểm đó là gì nhé!
Đi Cà Mau tháng nào là đẹp nhất?
Thời điểm mà du khách lựa chọn nhiều nhất để đến thăm vùng đất Mũi là từ tháng 12- tháng 4. Đây là khoảng thời gian mà thời tiết Cà Mau đang vào mùa khô, rất thích hợp cho các hoạt động khám phá cảnh đẹp cũng như là tham gia nhiều trò tiêu khiển đầy sự hấp dẫn như là tát đìa bắt cá, bắt chuột đồng.
Từ tháng 5 – tháng 11 là lúc Cà Mau đang vào mùa mưa, hay được biết đến là mùa nước nổi. Giao thông thời điểm này sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, bơi nước sông dâng cao. Bù lại, bạn sẽ được thưởng thức những món đặc sản chỉ có vào mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển.
Note: Nhiệt độ ở Cà Mau so với các tỉnh miền Tây khá là khá cao, việc đi thuyền tham quan rừng đước tuy là một trải nghiệm thú vị nhưng muỗi cũng như các loài côn trùng khá là nhiều. Bạn nhớ mang theo áo dài tay, mũ náo và bình xịt chống muỗi để không bị cản trở chuyến đi của mình nha.
Xem thêm: Du Lịch Khám Phá Thông Qua 8 Cuốn Sách viết về Động Vật Bán Chạy Nhất
TOP những địa điểm du lịch Cà Mau đẹp nhất
1. Rừng Quốc Gia U Minh Hạ
Vườn quốc gia U Minh Hạ với diện tích 8.527,8 ha được thành lập ngày 20/1/2006, thuộc địa giới hành chính 4 xã thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, tỉnh Cà Mau. Nằm về phía tây tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau không khoảng 25km, mất hơn 30 phút ngồi ô tô. Rừng U Minh Hạ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng rất thích hợp cho những người yêu thích khám phá tự nhiên, ưa mạo hiểm và muốn tìm hiểu về hệ sinh thái rừng ngập nước.
Đặc trưng nổi bật là hệ sinh thái rừng tràm hình thành trong điều kiện ngập nước, úng phèn, trên đất than bùn, là cây tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào ngày 26 tháng 5 năm 2009, vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Mũi Cà Mau.
Hệ thống động thực vật ở đây vô cùng phong phú và đa dạng: có gần 250 loài thực vật 250 loài thực vật, 182 loài chim, 20 loài bò sát sát và lưỡng thê, 40 loài thú và nhiều loài côn trùng khác, trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế. Đến Rừng U Minh Hạ du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị bởi những nét hoang sơ nhưng vô cùng độc đáo mà không nơi nào có được.
2. Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc là cụm đảo thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nhìn từ đất liền, hòn Đá Bạc giống như hòn non bộ kỳ thú giữa đại dương mênh mông. Người dân Cà mau gọi Hòn Đá Bạc là Con mắt ngọc của miền Tây, ngoài ý tôn vinh vẻ đẹp của đảo còn có ý ví nơi đây như một con mắt tinh tường canh giữ một vùng biển phía Tây của Tổ quốc.
Cụm đảo gồm có ba hòn: hòn Ông Ngộ, hòn Trọi, hòn Lớn (hòn Đá Bạc) được nối với nhau bởi những dải cầu đẹp mắt. Hòn Đá Bạc được hình thành cách đây 180 triệu năm (thuộc Jura giữa – Trung sinh) với tổng diện tích gần 6,5 ha.
Khi đến tham quan cụm hòn này, du khách có thể chiêm ngưỡng vô số những viên đá granit (còn gọi là đá hoa cương) được xếp chồng lên nhau bởi bàn tay của tạo hóa với những hình thù hết sức độc đáo. Ngoài ra, nơi đây cũng được lưu giữ khá tốt các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh.
3. Mũi Cà Mau
Một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch tại Đất Mũi là Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009. Nơi đây, được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.
Gần Mốc toạ độ GPS 0001 còn trưng bày các bản đồ cổ gồm “An Nam đại quốc Hoạ đồ” năm 1838 và “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” năm 1904 chứng minh chủ quyền quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Du khách đến Đất Mũi có thể trải nghiệm đi cầu khỉ xuyên rừng để khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hàng năm nơi này vẫn lấn biển do hoạt động phù sa. Hai loại cây phổ biến ở đây là mắm và đước. Cây mắm thường mọc trên đất bồi, rễ đâm ngược lên để giữ đất, tiếp đến là đước và những cây trong rừng ngập mặn khác như sú, vẹt. Đó là lý do Cà Mau được ví là nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”.
Đặc biệt ngay tại trung tâm có nhà hàng Đất Mũi Cà Mau có phục vụ nhiều quán ăn uống. những quán ăn mang nét đặc trưng tuyệt vời giữa những món đặc sản miền Tây: cá thòi lòi, ốc len, bông điên điển cá linh,… Đến những hải sản tuyệt vời phải thử khi đến Cà Mau: hàu, cua, tôm, cá tươi,…
Xem thêm: 18+ Cảnh Đẹp Nước Ý Đẹp Mê Ly – Ngất Ngây Lòng Bạn
4. Chợ nổi Cà Mau
Chợ nổi là một hình thức buôn bán vô cùng độc đáo của người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ, chợ nổi Cà Mau là 2 trong số những chợ nổi hấp dẫn khách du lịch đến tham quan nhiều nhất.
Tại Chợ nổi Cà Mau mỗi ngày tụ tập trên 100 chiếc ghe, thuyền lớn, nhỏ, bên trên bày bán rất nhiều hàng hóa, từ những loại hàng hóa quen thuộc với người dân miền Tây như rau củ, trái cây, các món ăn đặc sản miền Tây dân dã… cho đến những loại hàng hóa lạ từ nơi khác chuyển đến như gấm vóc, đồ gia dụng… hàng nào cũng có.
Chợ nổi Cà Mau hoạt động tấp nập nhất là vào lúc 2 – 3 giờ sáng, một chuyến tham quan chợ nổi vào lúc 4 giờ sáng khi trời còn tờ mờ nắng chưa lên cũng là một trải nghiệm thú vị bạn nên thử đấy. Một trải nghiệm thú vị khác đó là ngồi xuồng hoặc đò để tham các gian hàng và chọn mua những đồ dùng cần thiết hay trao đổi hàng hóa ngay trên sông nhé. Bạn có thể mua quà về cho người thân và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người lái buôn.
5. Sân chim Ngọc Hiển Cà Mau
Vườn chim Ngọc Hiển có diện tích tự nhiên là 130ha và chưa hề bị con người khai phá, xây dựng. Diện tích rộng và hệ sinh thái động thực vật phong phú biến vườn chim Ngọc Hiển trở thành một trong những sân chim tự nhiên lớn nhất và đẹp nhất ở miền Tây.
Sân chim Ngọc Hiển có dòng sông Bảy Háp chảy qua cùng với hệ thống kênh ngòi chằng chịt, với thảm thực vật phong phú và xanh tươi quanh năm đã là môi trường thiên nhiên trong lành chưa bị con người huỷ hoại, nơi trú ngụ của các loài chim bay đến hàng năm.
Vườn chim Ngọc Hiển hiện nay là nơi “đất lành chim đậu” cho hàng ngàn, hàng vạn cá thể chim thuộc 147 loài sinh sống. Một số loài chim quý hiếm như sếu đầu đỏ, cổ trụi, cồng cộc, vạc… cũng thường xuyên đến vườn chim Ngọc Hiển kiếm ăn và cư trú.
6. Đảo hòn Khoai
Hòn Khoai là tên một cụm đảo nằm ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Hòn Khoai cách đất liền hơn 6 hải lý (14,6km) có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc.
Đảo Hòn Khoai gồm nhiều đảo nhỏ: Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ. Trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích khoảng 4km2 và cũng là hòn đảo cao nhất so mực nước biển là 318m.
Hòn Giáng Hương hay hòn Độc Lập là một số tên gọi khác của đảo Hòn Khoai Cà Mau. Tuy nhiên, cái tên này lại thân thuộc và được người dân ở đây gọi nhiều hơn bởi hình dạng của nó trông tựa củ khoai.
Vẻ đẹp hoang sơ của rừng cây nguyên sinh còn được bảo tồn, biển xanh ngắt kế bên là đảo đá và những ngọn đồi cao vút tầm mắt. Đến đây, bạn còn được khám phá hệ động thực vật phong phú từ trên rừng xuống biển. Check in với cảnh đẹp hút mắt và đặc biệt là được thưởng thức ẩm thực thơm ngon nổi tiếng được đánh bắt ngay tại nơi này.
7. Khu du lịch Biển Khai Long
Khu du lịch Khai Long có địa chỉ tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Nơi đây cách thành phố Cà Mau khoảng 97 km, cách Đất Mũi chỉ khoảng 15 km, cách sài Gòn khoảng 400 km.
Bãi biển Khai Long Cà Mau có bãi biển cát vàng tương đối bằng phẳng, cường độ sóng không lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi giúp bãi biển Khai Long phát triển loại hình du lịch tắm biển.
Nếu bạn đã từng đắm chìm với vẻ đẹp của đảo Điệp Sơn với con đường giữa biển thì ở Khai Long có một điểm vô cùng thú vị không thể bỏ qua là hiện tượng lấn biển. Hàng ngày, bãi cát thoai thoải vẫn đang được thủy triều bồi đắp phù sa, cát mịn. Trung bình mỗi năm lấn biển khoảng 50 – 80 m.
Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, có thiên nhiên bao la. Nó sẽ cho phép bạn bắt tôm, tìm ốc mắc cạn trong những vùng nước hay kè đá còn sót lại khi thủy triều xuống hay lội rừng bắt cua, bắt cá. Khai long là địa điểm nổi tiếng và là sự lựa chọn tốt nhất cho câu hỏi Cà Mau có gì chơi.
8. Đầm Thị Tường
Cách thành phố Cà Mau khoảng 40 km về phía Nam, Đầm Thị Tường là đầm nước có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “biển Hồ giữa đồng bằng”. Đầm Thị Tường là điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi tới thăm tỉnh Cà Mau.
Đầm Thị Tường có hình dạng giống như cây đàn guitar khổng lồ, có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 800m và được chia làm 03 khu vực: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới.
Đầm Thị Tường tạo nên từ phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch khác. Đầm Thị Tường dài 12 km, chỗ rộng nhất 2 km, chỗ sâu nhất 1,5m, thông ra Vịnh Thái Lan.
Đến với đầm Thị Tường, du khách còn được tham qua khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước để tìm hiểu về quá trình hoạt động gian khổ, anh dũng của các chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Du khách còn được người dân đãi những món không phải sơn hào hải vị nhưng ăn một lần thì mãi khó quên. Đơn sơ thì tôm luộc cuộn rau, nồi cá kho thật xịn từ những chú cá được đánh bắt ngay dưới đầm, ăn chung với cơm trắng thì không thể chê ngách nào.
9. Rừng ngập mặn Cà Mau
Rừng ngập mặn mũi Cà Mau thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, là một trong những rừng ngập mặn lớn nhất thế giới chỉ sau rừng Amazon của Nam Mỹ. Và còn là lá phổi xanh của cả vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò điều hòa khí hậu, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường. Có diện tích 41.682ha, trong đó phần đất liền là 15.262ha và khu bảo tồn biển 26.600ha.
Nơi đây có 93 loài thực vật thuộc 38 họ (trong đó chủ yếu là đước), 28 loài thú thuộc 13 họ, 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ, 233 loài thủy sản. Ngoài ra, khu vực này còn có 74 loài chim thuộc 23 họ, trong đó có 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm. Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều động vật nằm trong Sách Đỏ của thế giới.
Đến với mũi Cà Mau, du khách sẽ có dịp trải nghiệm đi xuyên rừng, đi canô, vỏ lãi để ngắm vẻ đẹp đặc trưng của rừng ngập mặn, khu bãi bồi; câu cá, bắt cua, ốc len, ba khía; dã ngoại, cắm trại và thưởng thức các món đặc sản nơi đây.
Về rừng đước, du khách sẽ được lênh đênh trên xuồng máy, xuôi sóng qua từng mảng rừng, tận mắt ngắm nhìn khu rừng rộng lớn, với nhiều loài chim, thú và bò sát,v.v.. nơi đây xứng đáng là điểm đến khám phá thú vị nhất ở Cà Mau.
10. Rừng Đước Năm Căn
Rừng Đước Năm Căn và khu đa dạng sinh học Lâm ngư trường 184 nằm trong rừng đước thuộc ấp Chà Là, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Rừng đước Năm Căn có diện tích lên đến 63.017ha, đứng thứ 2 trên thế giới, hình dạng giống chữ V như một bán đảo với 3 mặt giáp biển. Rừng chủ yếu nằm trên địa phận huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.
Rừng đước và rừng tràm nối tiếp vây quanh mũi Cà Mau từ Đông sang Tây, rừng Cà Mau đứng thứ nhì trên thế giới về tầm quan trọng và diện tích, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon của châu Mỹ La Tinh. Cà Mau có hai khu rừng lớn nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới. Khi nói đến rừng U Minh người ta liên tưởng đến loài cây phổ biến là cây tràm, rừng rừng đước bạt ngàn ở Năm Căn. Rừng đước và rừng tràm nối tiếp vây quanh mũi Cà Mau từ Đông sang Tây, đứng thứ nhì trên thế giới về tầm quan trọng và diện tích, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon của châu Mỹ La Tinh.
Hệ sinh thái nơi đây độc đáo, thảm thực vật đa dạng bao gồm nhiều loài cây như đước, mắm, chà là và nhiều cây dương xỉ…Trong đó, loại cây chiếm phần lớn diện tích và có giá trị kinh tế cao là đước, từ đó cái tên Rừng đước Năm Căn trở nên nổi tiếng gần xa, thu hút nhiều du khách đến đây khám phá thiên nhiên của khu rừng ngập mặn trù phú.
Rừng đước Năm Căn gây ấn tượng với biết bao du khách phương xa, vẫn là những dòng sông nhỏ, kênh rạch nhiều như mạng nhện luôn cuồn cuồn nước, bãi bùn dài tăm tắp và cây cối vươn cao, rừng đước ngày đêm âm thầm dấn bước chân mình ra biển khơi.
Về thăm rừng đước, bạn sẽ được lênh đênh trên xuồng máy, xuôi sóng qua từng mảng rừng ngập mặn, tận mắt ngắm nhìn khu rừng rộng lớn thuộc top của thế giới, đa dạng sinh học với nhiều loài chim, thú và bò sát…
11. Khu tưởng niện Chủ Tịch Hồ Chí Minh
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại khóm 1 phường 1 thành phố Cà Mau. Công trình văn hóa này có ý nghĩa đặc biệt, là nơi người dân Đất Mũi thể hiện lòng thành kính với vị lãnh tụ của đất nước. Đồng thời còn là điểm tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và cũng là câu trả lời cho câu hỏi Cà Mau có gì chơi bạn không nên bỏ qua.
Khu tưởng niệm Bác Hồ bao gồm nhiều hạng mục như: Đền thờ, khu nhà sàn, nhà chiếu phim, nhà trưng bày, nhà triển lãm tượng đá… kết hợp hài hòa với hệ thống cây xanh, hoa kiểng mang đến cảm giác mát mẻ và thoáng đãng.
Trong đó, ngôi nhà sàn của Bác được tái hiện chi tiết nhất. Nhà sàn Bác Hồ ở Cà Mau được xây dựng với chất liệu gỗ, đúng theo nguyên mẫu và tỷ lệ so với nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội- nơi Bác đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Một điểm thú vị khác là nơi đây cũng nằm cạnh vườn chim Cà Mau, khi viếng Bác xong, du khách có thể đi dọc bờ kênh để ngắm các loại chim quý hiếm đang được bảo tồn.
Xem thêm: TOP 21+ Địa Điểm “Tránh Nóng” Du Lịch 1 Ngày Nên Đi Đâu TPHCM
12. Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu ở Cà Mau rất nổi tiếng và được nhiều khách du lịch biết đến vì chùa là một nét đẹp văn hóa của Phật Giáo Trung Hoa còn tồn tại ở TP.Cà Mau. Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng ở nhiều nơi: chùa Bà ở thị trấn Thới Bình, chùa Bà ở thị trấn Sông Đốc, chùa Bà ở xã Phú Hưng… và nổi tiếng nhất là chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc ở số 68 đường Lê Lợi, P.2, TP.Cà Mau.
Ngôi miếu đã được lập ở đây từ rất lâu, vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, lợp bằng lá. Đến năm Quý Mão (1903) cộng đồng người Hoa ở Cà Mau đã chở vật liệu từ cảng Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc) sang để xây cất như kiến trúc hiện nay. Miếu thờ Bà Thiên Hậu, một nhân thần rất được tín ngưỡng của đồng bào người Hoa.
Bên trong chùa có lối kiến trúc theo thế Thiên tỉnh (Giếng trời). Chùa cất bằng các bệ đá được chở từ cảng Hạ Môn – Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) sang. Giữa tiền sảnh chùa có dòng chữ đỏ Thiên Hậu Cung (Miếu Thiên Hậu), Hà thanh hải yến (Thiên hạ thái bình), đôi con kỳ hươu tả hữu tượng trưng cho sự bằng an kiết tường.
Vào những ngày xuân, ngày rằm, ngày vía… khách thập phương tập trung về đây rất đông để dâng hương, cầu nguyện và xin quẻ xăm để đoán vận may. Vị trí tọa lạc của miếu thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông, đắc địa cả hai thế phong thủy “Nhất cận thị, nhị cận giang” (thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông).
13. Chùa Monivongsa Bopharam
Chùa Monivongsa Bopharam tọa lạc ngay Phường 1, trung tâm thành phố Cà Mau, được xây dựng vào năm 1964 do ngài Đại đức Thạch Kên đứng ra kêu gọi Tăng tín đồ phật tử đóng góp. Chùa Monivongsa Bopharam có diện tích khoảng 230m2, gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp để cốt, am thờ, ao sen…
Màu đỏ và vàng tươi là hai tông màu chủ đạo trong toàn bộ kiến trúc chùa. Hai màu tượng trưng cho sự may mắn, phước lành. Với mái vòm vút cao, mỗi góc cột đều có hình tượng tiên nữ đứng đội mái vòm. Những hình tượng đắp nổi xuất hiện luân phiên và xuyên suốt trong từng mảng kiến trúc.
Toàn bộ kiến trúc của chùa là một màu vàng rực vô cùng độc đáo với mái vòm vút cao, mỗi góc cột đều có hình tượng tiên nữ đứng đội mái vòm. Những hình tượng đắp nổi xuất hiện luân phiên và xuyên suốt trong từng mảng kiến trúc. Chùa có chánh điện cao 32m, có nhà hội dành cho các sư sãi, nhà ở của các sư, phía sau có các tháp cốt được điêu khắc tỉ mẩn.
Nếu như nhắc đến Nha Trang có gì chơi thì chắc chắn tín đồ du lịch đều biết đến ngôi chùa Long Sơn với tượng phật ngự thiên lớn nhất Việt Nam. Tại Cà Mau cũng sở hữu tượng Phật nhập niết bàn lớn nhất không thua kém gì cả. Khi bước vào chùa, ấn tượng nhất là bức tượng Phật “khổng lồ” nằm ngang sân chùa thể hiện phần nào sự uy nghi và bề thế của chùa. Tư thế nằm của Đức Phật được thiết kế độc đáo, tay phải kê đầu nhẹ nhàng, khuôn mặt thanh thoát, toát lên sự ung dung tự tại.
Hàng năm, vào những dịp lễ hội đặc sắc của người Khmer như Chôl Chnăm Thmây, Đol Ta, Ok Om Bok… người dân Khmer lại tới chùa Monivongsa Bopharam tổ chức cúng kiến và vui chơi trong suốt các kỳ lễ hội. Những hoạt động lễ hội đặc sắc và ấn tượng này đã trở thành tâm điểm, có sức hút lớn và lôi kéo các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau tham dự.
14. Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm
Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, thuộc Ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm huyện U Minh khoảng 20 km.
Sông Trẹm (còn gọi là sông Tràm Trẹm) là một chi lưu dài khoảng 36 km của sông Ông Đốc, có nguồn là sông Cái Lớn qua kênh Chắc Băng. Sông chảy qua huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) và huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), hội lưu với sông Ông Đốc tại ráp gianh giữa xã Khánh An và xã Hồ Thị Kỷ.
Sông Trẹm uốn lượn như 1 dải lụa giữa rừng U Minh. Sông Trẹm có độ sâu trung bình 3 – 4m, chiều rộng từ 80 đến 10 mét, có màu nước thay đổi theo mùa. Đặc biệt mùa mưa, nước sông màu nâu sẫm của màu nước dớn rừng tràm từ các con kênh rạch đổ ra.
Ngoài khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, đến khu du lịch này, du khách sẽ được tham quan vườn động thực vật với 130 loài thực vật thuộc 62 họ đang được khoanh nuôi bảo vệ trên diện tích rộng 100 ha cùng một số loài thú quý hiếm.
Tại Sông Trẹm còn có tour tham quan xuyên rừng tràm bằng xuồng máy ngắm hoa sen, hoa súng cùng các loài hoa dại và vui đùa với khoảng 100 con khỉ nghịch ngợm nhưng rất thân thiện.
Sau khi vãn cảnh, du khách có dịp thưởng thức những món ăn đồng quê như cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ ăn với đọt choại xào, lươn nấu canh chua trái giác, rắn hổ hành nấu cháo, gỏi nhộng ong non…
15. Vườn dâu Cái Tàu
Vườn dâu Cái Tàu thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 30 km về phía Tây, tiếp giáp với rừng U Minh Hạ và dọc theo tuyến sông Cái Tàu. Vườn dâu này tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua còn lưu giữ nhiều những cây dâu cổ thụ mang dấu ấn thời gian của vùng đất phương Nam xưa.
Trái dâu là loài cây ăn quả đặc biệt chỉ có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Cái Tàu chiếm diện tích lớn nhất. Đặc trưng của dâu Cái Tàu là trái lớn, vỏ rất mỏng, mọng nước, có vị ngọt, chua nhẹ, khi chín có màu vàng ươm. Dâu Cái Tàu, mỗi năm chỉ có 1 mùa. Khi mưa năm trước vừa dứt, dâu đơm bông, kết trái hết 6 tháng mùa khô, đến khi vừa có hột mưa năm sau rơi xuống thì trái dâu vừa chín.
Hằng năm, từ tháng 4 cho tới hết tháng 6 là thời điểm các nhà vườn mở cửa đón khách tham quan, chụp ảnh. Tại đây, du khách tự hái từng chùm dâu chín tươi ngon để thưởng thức và mang về làm quà cho gia đình, bạn bè khi có dịp về đất U Minh. Đến vườn dâu, du khách có thể đi trên những chiếc xuồng ba lá, luồn lách qua những con rạch nhỏ thưởng ngoạn cảnh sắc bình yên.
Những lễ hội ở Cà Mau
+ Lễ hội Nghinh Ông: nếu bạn đến vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm thì hãy tham quan lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc được tổ chức từ 14 – 15 tháng 2 âm lịch hàng năm.
+ Lễ Vía bà Thiên Hậu: Truyền thuyết kể rằng Bà Thiên Hậu có phép thần thông, chuyên cứu nhân độ thế và giúp đỡ ngư dân khi gặp tai nạn. Dù bà mất nhưng vẫn hiển linh và giúp đỡ tàu thuyền gặp nạn trên biển. Lễ hội vía bà Thiên Hậu lễ hội tiêu biểu nhất của người Hoa ở Cà Mau, được tổ chức vào 23/3 âm lịch hàng năm tại Chùa Bà, tp Cà Mau.
+ Lễ hội Kỳ Yên: lễ hội phổ biến của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, một sinh hoạt văn hóa tinh thân không thể thiếu. Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức hằng năm vào các ngày 15, 16, 17 âm lịch (tháng tổ chức phụ thuộc từng địa phương) khắp các đình làng Nam Bộ.
+ Lễ tế thần Nông ở Cà Mau: Lễ tế Thần Nông là một trong những nghi lễ cúng quan trọng nhất trong lễ hội Kỳ Yên được tổ chức ở Đình Thần Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Với một địa phương sống bằng nghề trồng lúa như Tân Lộc thì lễ tế Thần Nông chính là dịp để họ cầu xin mưa thuận gió hòa, xua đuổi sâu bọ. lễ tế Thần Nông thường diễn ra vào mùa xuân (khoảng tháng 2 Âm Lịch).
Xem thêm: Chơi Gì Ở Bạc Liêu? 14+ Địa Điểm Du Lịch Bạc Liêu
Đặc sản Cà Mau
+ Cua cà Mau: Cua Cà Mau được đánh giá là cua ngon nhất trong cả nước vì hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin rất bổ dưỡng. Thịt cua Cà Mau vừa chắc, vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi và gạch cua thì béo ngậy không chê vào đâu được. Cua được chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như rang me, rang muối, hấp, cua trộn gỏi rau càng cua, bánh canh cua …
+ Cá Khoai: Ở Cà Mau, cá khoai có nhiều ở vùng biển Tây, nhất là khu vực gần cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân); Sông Đốc, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời); Khánh Hội (huyện U Minh); Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển). Cá Khoai chế biến được nhiều món ăn ngon như làm khô, nấu cháo, nấu lẩu…
+ Rùa rang muối: rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa được thưởng thức cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau. Rùa được sử dụn làm nguyên liệu là rùa nuôi.
+ Chuột đồng chiên sả ớt: Các món ăn từ chuột đồng là món đặc sản đặc trưng của đồng ruộng miền Tây. Món ăn dân dã này có nhiều cách chế biến khác nhau và một trong những kiểu chế biến ngon nhất là chiên sả ớt. Thịt chuột chín vàng ươm, bắt mắt với mùi thơm đảm bảo sẽ quyến rũ cả những thực khách sành ăn nhất.
+ Ba Khía: Ba khía Rạch Gốc là đặc sản đã có thương hiệu vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Đây là món ăn không thể bỏ qua khi đến với đất mũi Cà Mau.
+ Gỏi nhộng ong rừng U Minh: còn được mệnh danh là “đệ nhất” món ngon của Cà Mau. Tổ ong sau khi thu hái về được nhúng vào nước sôi, sau đó lọc lấy nhộng ong sạch. Nhộng ong có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào. Nhưng có lẽ ngon hơn cả vẫn là món nhộng ong trộn gỏi. Vị béo ngậy của nhộng ong hòa quyện với vị chua, cay của gỏi tạo nên một món ăn thú vị.
+ Chả trứng mực đất Mũi: Trứng mực chiên thành chả có màu vàng rộm như chả quế, đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Chả cắt từng lát chừng ngón tay, ăn cùng rau thơm và bánh tráng, chấm nước mắm nhĩ, hay muối tiêu chanh. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị bùi của trứng mực hòa quyện với nước chấm và các loại rau tạo thành món ăn đặc trưng không thể trộn lẫn.
+ Lẩu mắm U Minh: Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh là mắm sặc (nhưng phải là mắm ngon) được lược kỹ xương, nêm nếm cho vừa ăn rồi cho vào lẩu, bổ sung thêm một ít lá sả và gốc sả đập dập. Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích nhưng lẩu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng như cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng.
+ Cá nâu kho trái giác: Cá nâu sống hoàn toàn tự nhiên, chủ yếu ở các vùng nước mặn hay nước lợ. Thịt cá nâu ngọt, béo có thể chế biến thành nhiều món như: muối sả ớt chiên, gói lá chuối nướng than, nấu canh chua cơm mẻ,…nhưng ngon hơn hết vẫn là cá nâu kho trái giác. Trái giác là trái của loại dây leo hoang dã thường quấn quanh các lùm cây trong rừng, ven sông rạch. Trái giác sống có màu xanh, chín có màu đen thẫm, bên trong có màu tím như trái mồng tơi.
+ Rượu trái giác: được chế biến từ nước trái giác, một loại quả nhó có rất nhiều trong rừng U Minh. Rượu có màu tím khá đẹp mắt, có mùi vị là lạ, uống nhiều không bị đau đầu và giá cũng không cao, chỉ khoảng 500.000 VND/ chai 500 ml.
+ Mật ong rừng U Minh: một món đặc sản nổi tiếng của Cà Mau. Loại mật ong này đặc quánh, có màu vàng cam trong suốt, vị ngọt thanh và dịu chứ không gắt và thơm mùi hoa tràm rất đặc trưng. Mật ong rừng U Minh không chỉ là loại thực phẩm chức năng giúp bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức đề kháng mà còn có tác dụng hỗ trợ trị bệnh hoặc làm đẹp. Giá bán tại các cửa hàng khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng/lít.
15 địa điểm vui chơi Cà Mau phần nào đã trả lời cho câu hỏi Cà Mau có gì chơi. Mỗi địa điểm có những đặc trưng riêng và trải nghiệm riêng biệt. Do đó nếu đang dự định đi du lịch Cà Mau thì đừng quên ghé qua những cảnh đẹp trên và tham gia các tour Cà Mau chất lượng nhất.